Hỏi đáp #3: Sự khác nhau bàn phím cơ và giả cơ - Có nên chống phân mảnh cho SSD không?
Câu hỏi 1 (của bạn Hà Cao): Bàn phím giả cơ và bàn phím cơ là gì ạ? Khoảng bao lâu em nên vệ sinh PC một lần (nhà em cũng hơi nhiều bụi)?
Trả lời: Bàn phím cơ là bàn phím có phần công tắc bấm cho mỗi phím riêng biệt, và mỗi phím là một hệ thống phím bấm độc lập.
Bàn phím giả cơ là bàn phím khá giống với bàn phím cao su. Bàn phím giả cơ có phần công tắc bấm nhưng dùng chung một lớp đệm cao su nhận tín hiệu cho tất cả các phím.
Công tắc cơ học trên bàn phím cơ |
Một điều cần lưu ý, hầu hết các loại bàn phím giả cơ cũng đều giống như bàn phím cao su ở một cơ chế hoạt động. Đó là khi chúng ta bấm hết hành trình phím thì nó mới nhận được tín hiệu.
Còn về câu hỏi bao lâu vệ sinh PC một lần. Theo chúng tôi, nếu bạn có điều kiện và am hiểu một chút về phần cứng máy tính (có thể tự tháo lắp linh kiện PC) thì cứ thấy bụi là vệ sinh thôi, không nhất thiết là khoảng thời gian cố định bao lâu một lần. Còn nếu bạn là người dùng máy tính không hiểu chuyên sâu về phần cứng, do đó không thể tự tháo lắp linh kiện thì trung bình 6 tháng bạn có thể gọi kỹ thuật viên đến tận nhà vệ sinh cho chiếc PC của bạn.
Câu hỏi 2 (của bạn Đào Bá Cảnh): Đèn Led RGB có bao nhiêu loại? Độ bền của chúng như thế nào?
Trả lời: Tại thời điểm hiện tại có rất nhiều loại đèn led RGB và nó được ứng dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau. Đối với máy tính, đèn led RGB sẽ có 2 loại chính là led analog và led digital.
2 loại đèn lad RGB chính trong máy tính |
Đèn led Analog được sử dụng nguồn điện 12V. còn đèn led Digital thì sử dụng nguồn điện 5V mà thôi. Xét về công nghệ thì led Digital vượt trội hoàn toàn so với led Analog.
Về độ bền của led RBG thì sao? Tại thời điểm này trên thị trường, bóng đèn led nói chung luôn có độ bền cao hơn so với một số loại bóng thông thường. Còn độ bền chính xác của đèn led RBG được trang bị cho máy tính là bao lâu thì còn tùy thuộc vào từng loại, thông thường nhà sản xuất sẽ công bố thông số này.
Câu hỏi 3 (của bạn Surikura): Các anh cho em hỏi CÓ NÊN CHỐNG PHÂN MẢNH CHO Ổ SSD không ạ?
Trả lời: Câu trả lời của chúng tôi là KHÔNG nên chống phân mảnh cho ổ cứng SSD. Có 2 lý do chính mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là:
- Thứ 1, tuổi thọ của ổ cứng SSD được các nhà sản xuất quy ước thông qua số lần đọc ghi dữ liệu. Nếu các bạn thực hiện chống phân mảnh cho ổ SSD, nghĩa là các dữ liệu sẽ được di chuyển (đọc và ghi) qua các ô nhớ khác nhau. Do đó nó sẽ giảm trực tiếp tuổi thọ của ổ SSD.
- Thứ 2, chống phân mảnh với mục đích chính là để cải thiện tốc độ làm việc của máy tính. Nhưng với ổ cứng SSD thì nó đã nhanh sẵn rồi, nên việc chống phân mảnh là không cần thiết.
Câu hỏi 4 (của bạn Nhật Linh): CPU i9 7900 và i7 8700 thì con nào tốt hơn ạ?
Trả lời: Có thể nói, xét về bất cứ khía cạnh nào thì i9 7900 cũng sẽ hơn hẳn i7 8700.
- Xét về giá cả: Con i9 7900 đắt gấp 3 lần con i7 8700 tại thời điểm hiện tại.
- Xét về thông sô kỹ thuật: Con i9 7900 có 10 nhân và 20 luồng. Do đó hiệu năng của i9 7900 thì phải nói là tuyệt vời, ăn đứt con i7 8700.
Tuy nhiên nếu bạn đang dùng con CPU i7 8700 thì chúng tôi khuyên bạn không nên nghĩ đến việc nâng cấp nên i9 7900. Bởi vì nếu bạn muốn nâng máy tính của mình lên con i9 7900 thì bạn cần nâng cả mainboard nữa (do mainboard đi với i9 7900 phải là dòng main X299 của Intel).
Câu hỏi 5 (của bạn Nguyễn Nguyên): Cho mình hỏi, hiện tại công việc của mình là edit video, thường xuyên phải làm việc với footage 4K nên CPU i5 7500 có vẻ như hơi đuối. Máy tính khác ở công ty mình dùng CPU i5 8400 vẫn bị giật lag, trong khi chấm điểm so sánh thì con ấy còn cao hơn i7 7700. Mong Admin cho mình lời khuyên, mình nên up linh kiện nào, nên lên 7700 là đủ hay 8700?
Trả lời: Chào bạn, chúng tôi khuyên bạn nên nâng cấp lên con CPU i7 8700 hoặc nếu cố thêm được thì bạn có thể lên hẳn i7 8700K. Với công việc chính là xử lý video 4K cần sự ổn định cao của tất cả các linh kiện trong PC. Chúng tôi thì vẫn hướng đến những bạn làm video 4K là dùng dòng máy tính Chíp Xeon. Bởi vì dòng CPU Xeon sẽ luôn đi kèm với dòng Ram Ecc (tự vá lỗi) nên nó sẽ mang đến hiệu năng và tính ổn định cao hơn. Tuy nhiên trong trường hợp này của bạn thì chỉ có một lựa chọn "an toàn" đó là nâng chíp i7 8700.
Câu hỏi 6 (của bạn Cu Do The): Em chào các anh, em mới mua một bộ tản nhiệt nước Aio, ở tản nhiệt Aio đã có sẵn một lớp keo tản nhiệt, em có nên cho thêm keo tản nhiệt hay không ạ? Nếu không cho thì máy có bị quá nhiệt không anh?
Trả lời: Câu hỏi của bạn rất thú vị. Về vấn đề này chúng tôi sẽ trả lời riêng cho bạn như sau. Không phải tất cả các loại tản nhiệt AIO nào cũng có một lớp keo mỏng tản nhiệt có sẵn. Trong trường hợp của bạn là tản AIO đã có sẵn lớp keo rồi thì bạn không cần phải tra thêm keo tản nhiệt bên ngoài vào nữa. Còn trường hợp, nếu bạn có được loại keo tản nhiệt "xịn", tốt hơn nhiều thì bạn hãy lau toàn bộ lớp keo có sẵn trên tản Aio đi và tra keo đó vào. Tuy nhiên bạn cũng nên tra vừa phải (một lớp mỏng lên bề mặt CPU thôi) để tránh trường hợp keo sẽ bị chảy xuống chân Socket.
Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc