Hỏi đáp #5: SSD bao giờ hỏng? Laptop có nâng cấp được không?

Câu hỏi 1 (của bạn Yoo Lee): Mình đọc trên mạng thấy nói sau thời gian lưu hết mức dung lượng TBW thì ổ cứng SSD sẽ chuyển sang chế độ chỉ đọc file thôi, và chế độ ghi dữ liệu sẽ không còn nữa. Vậy đến lúc đó dữ liệu của mình nằm Full trong ổ SSD mà mình muốn chuyển dữ liệu đó sang một ổ SSD mới có được không? Mình hỏi thêm chút nữa là ổ cứng SSD bao giờ thì hỏng?
Trả lời: Thứ nhất, ổ cứng SSD bao giờ hỏng? Chúng tôi xin trả lời bạn là tùy vào từng loại ổ cứng SSD mà độ bền của nó khác nhau, những loại ổ SSD chính hãng thì luôn có độ bền cao hơn ổ cứng SSD "hàng ngoài". Thông thường những chiếc ổ SSD chính hãng có độ bền rất cao, còn để trả lời bạn thời gian chính xác ổ cứng SSD sẽ hỏng thì ngay cả nhà sản xuất cũng không biết chính xác được (đồ điện tử mà). Thay vào đó nhà sản xuất sẽ đưa ra thông số để ổ cứng SSD hoạt động an toàn nhất chính là dung lượng đọc ghi tối đa của nó tính bằng TBW.
 Thứ hai, bạn có hỏi sau khi hết lưu lượng TBW thì có chuyển dữ liệu sang ổ cứng SSD mới được không? Chúng tôi cảm thấy bạn đã hiểu sai về TBW của nhà sản xuất quy ước. Xin giải thích rõ với bạn, lưu lượng quy ước của nhà sản xuất đối với ổ cứng SSD tức là khi bạn dùng ổ cứng SSD một thời gian và đạt đến ngưỡng lưu lượng đọc ghi TBW mà nhà sản xuất đưa ra thì ổ SSD trong thời gian đó sẽ hoạt động tốt nhất. Còn khi bạn dùng vượt cái ngưỡng TBW đó thì không phải là ổ SSD không có khả năng đọc hay ghi nữa, mà nó vẫn hoạt động bình thường. Chính vì vậy bạn có thể copy dữ liệu sang ổ SSD mới hoàn toàn bình thường.
Câu hỏi 2 (của bạn Bắp Rang Bơ): Chào các anh. Cho em hỏi chút ạ. Cùng là 16 Gb Ram thì nên lắp như thế nào cho tối ưu? 4 x 4 Gb hay 2 x 8 Gb hay 1 x 16 Gb và có sự khác biệt gì giữa 3 cách lắp này?
Lắp Ram vào mainboard
Lắp Ram vào mainboard
Trả lời: Theo chúng tôi, tại thời điểm này, bạn nên chọn 2 thanh Ram 8 Gb là phù hợp. Nếu mainboard của bạn có tới 4 khe ram thì bạn cũng chỉ cần cắm 2 khe với mỗi thanh Ram là 8 Gb để cho nó chạy ở chế độ Dual Channel. Hai khe Ram còn lại bạn sẽ để trống, sau này bạn có thể nâng cấp một cách dễ dàng. Còn về câu hỏi sự khác biệt giữa 3 cách cắm Ram mà bạn đưa ra ở bên trên, chúng tôi giải đáp như sau:
- Lắp 4 x 4 Gb và 2 x 8 Gb chỉ khác nhau về số lượng thanh Ram mà thôi, còn bản chất nó vẫn chạy Dual Channel nên hiệu năng vẫn là tối ưu.
- Lắp 1 thanh Ram 16 Gb thì sẽ không được tối ưu vì nó chỉ chạy đơn Ram, do đó hiệu suất xử lý không cao so với 2 cách lắp bên trên.
Câu hỏi 3 (của bạn Long): Con laptop của em thỉnh thoảng lại có hiện tượng khi Shutdown rồi nhưng màn hình thì tắt còn bàn phím và quạt vẫn hoạt động. Em phải toàn bấm nút nguồn và dữ lâu để tắt. Mong các anh giải thích giúp em?
Trả lời: Câu hỏi của bạn rất thú vị. Trước tiên chúng tôi phải nói rõ cơ chế tắt máy tính của Windows 7 và Windows 10 để bạn nắm rõ được.
- Với Windows 7, khi bạn thực hiện lệnh Shutdown máy tính sẽ chuyển sang màn hình Shutdown. Màn hình này sẽ sáng đến khi các ứng dụng trong Windows 7 được thoát ra hết. Và khi màn hình tắt thì quạt và bàn phím sẽ tắt.
- Với Windows 10 thì quy trình tắt máy tính khi thực hiện lệnh Shutdown hơi khác một chút. Về bản chất nó cũng giống nhau nhưng màn hình sẽ tắt trước, sau đó vài giây thì quạt và bàn phím mới tắt.
 Như vậy, với câu hỏi của bạn, nếu bạn không muốn xảy ra hiện tượng như trên thì trước khi tắt máy hãy chú ý tắt hết các ứng dụng đang chạy đi. Trường hợp làm như vậy vẫn không được thì bạn cần dọn dẹp lại máy tính bằng phần mềm CCleaner là sẽ OK.
Câu hỏi 4 (của bạn Quyết): Hiện tại em đang dùng laptop Dell inspiron 14 mã 3467, em muốn nâng cấp laptop này thì có thể nâng cấp VGA, Ram hay SSD hay không?
Trả lời: Với chiếc laptop này, chúng tôi đã Check thông tin từ nhà sản xuất, bạn có thể nâng cấp Ram lên tới 16 Gb DD Ram 4 và SSD theo chuẩn Sata 2.5. Tuy nhiên VGA thì bạn không thể nâng cấp được. Với laptop thì VGA rời chính là một Chipset GPU được gắn trực tiếp lên mainboard laptop, bạn không thể dùng tay không mà tháo rời nó ra được. Nhưng với chiếc máy tính để bàn thì lại khác, VGA máy tính để bàn là một linh kiện rời, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp bình thường.
Câu hỏi 5 (của bạn Net Viettech): Chào các anh, em muốn hỏi cổng Lan thứ 2 trên mainboard dùng để làm gì ạ?
Trả lời: Trong thời gian trước đây, những chiếc mainboard có 2 hoặc thậm chí là tới 4 cổng Lan chủ yếu là những chiếc mainboard Server hoặc máy trạm Workstation. Nhưng tại thời điểm hiện tại, những chiếc mainboard "phổ thông" cũng đã được các nhà sản xuất trang bị 2 cổng Lan như là mainboard dòng Z370 hay Z390.  Và những chiếc mainboard sử dụng 2 cổng Lan với mục đích như sau:
- Thứ nhất, dùng để gộp băng thông đường truyền Internet. Ví dụ, bạn đang sử dụng 2 đường truyền của 2 nhà mạng khác nhau (FPT và Viettel), bạn có thể cắm cả 2 mạng này vào cùng lúc ở 2 cổng Lan trên mainboard. Sau đó bạn dùng chức năng gộp băng thông có sẵn trên hệ điều hành Windows 10 để gộp chúng lại. Vậy gộp băng thông có tác dụng gì? Nó sẽ giúp bạn truy cập internet ổn định hơn rất nhiều, tốc độ Download nhanh hơn, lướt web nhanh hơn, ...
- Thứ hai, dùng để chia sẻ mạng internet cho một máy tính khác. Ví dụ, bạn cắm đường truyền internet vào cổng Lan 1, ở cổng Lan 2 sẽ là "nguồn cấp" đường truyền internet cho máy tính khác. Tuy nhiên nhiên việc chia sẻ mạng internet này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ truy cập internet.


Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc