Ép xung là gì? Tìm hiểu về ép xung trong máy tính
Ép xung (Overclock) là một phương pháp kỹ thuật để làm cho các thành phần linh kiện trong máy tính chạy với một tốc độ cao hơn so với tốc độ mặc định ban đầu từ nhà sản xuất.
Ví dụ một chiếc CPU i7 7700K có mức xung nhịp (không tính tới mức turbo boot) là 4.20 GHz, nhưng chúng ta có thể đẩy xung nhịp của nó lên tới mức 5.0 GHz hoặc cao hơn khi các bạn sử dụng phương pháp ép xung cho CPU.
![]() |
Sử dụng ni tơ lỏng để ép xung CPU |
Như chúng tôi đã nói ở trên, ép xung là phương pháp can thiệp trực tiếp để làm tăng tốc độ của hệ thống máy tính. Tuy nhiên điều này chắc hẳn không phải ai cũng quan tâm bởi vì nó liên quan đến khả năng tìm tòi và kiến thức hiểu biết về máy tính của mỗi người. Nhìn chung, trong một hệ thống máy tính, khi được ép xung sẽ có tốc độ tăng lên đáng kể (tối thiểu khoảng 15%).
Việc ép xung có ưu điểm là chi phí bỏ ra ở mức rất thấp nhưng hiệu năng máy tính lại tăng lên đáng kể. Và hơn hết, sau khi tự tay mình ép xung cho hệ thống, kiến thức hiểu biết về máy tính của bạn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện ép xung hệ thống, bạn cần phải có kiến thức căn bản về máy tính. Ngoài ra, việc ép xung cũng rất mất nhiều thời gian, nó không dành cho những người bận và không kiên nhẫn chờ đợi.
Nhược điểm của việc ép xung hệ thống đó là nó sẽ làm cho nhiệt độ và công suất tiêu thụ của hệ thống tăng lên. Mặt khác, nếu ép xung hệ thống, bạn không biết tối ưu một cách tốt nhất sẽ làm cho linh kiện hỏng hóc.
Vậy làm sao để có thể ép xung thành công? Sau khi ép xung các linh kiện vẫn hoạt động bình thường? Câu trả lời sẽ là: "bạn chỉ thực hiện ép xung trên máy tính có linh kiện chính hãng và được hãng sản xuất cho phép ép xung". Các linh kiện phổ biến hay được các bạn ép xung trong hệ thống máy tính là CPU, Ram và VGA. Việc lựa chọn các linh kiện chính hãng "ngon và xịn" là một điều kiện cần cho việc đạt kết quả cao trong ép xung. Một bo mạch chủ Mainboard có VRM và Bios tốt sẽ cho kết quả ép xung (cùng một CPU, Ram) cao hơn so với các mainboard có kết cấu linh kiện kém. Hoặc, các bạn sử dụng một bộ nguồn hàng nhái (hàng kém chất lượng), khi ép xung có thể sẽ gây ra hiện tượng sụt áp hoặc có thể gây hư hỏng cho cả hệ thống máy tính. Hay đơn giản là sử dụng một bộ tản nhiệt CPU kém chất lượng, khi ép xung CPU thì nhiệt lượng sẽ được sinh ra rất cao, do đó nó sẽ làm giảm tính ổn định khi ép xung hệ thống.
Với CPU AMD thì việc ép xung có vẻ đơn giản và khá thoải mái do toàn bộ dòng chíp Ryzen đều hỗ trợ ép xung, và nó hỗ trợ ép xung ngay cả trên dòng bo mạch chủ bình dân (như mainboard B350). Còn đối với Intel thì nó hơi gò bó một chút, bởi vì chỉ có chíp vi xử lý CPU dòng K và X (đi kèm với nó là mainboard dòng Z và X) thì mới có thể thực hiện việc ép xung được.
Như đã phân tích bên trên, nếu bạn muốn có được kết quả thành công và sau đó linh kiện chạy ổn định thì linh kiện máy tính phải đáp ứng được những tiêu chí dưới đây:
- CPU, RAM, VGA phải là hàng chính hãng và được nhà sản xuất cho phép tính năng ép xung.
- Mainboard phải hỗ trợ nhiều công nghệ ép xung.
- Khi ép xung phải có tản nhiệt cho CPU tốt và phải sử dụng phần mềm nhà sản xuất cung cấp hoặc bên thứ 3.
Với máy tính để bàn (PC) chúng ta có thể ép xung phổ biến. Vậy những chiếc laptop hay điện thoại thông minh thì có thể ép xung được không? Câu trả lời là CÓ. Tuy nhiên, do đặc thù về tính năng kỹ thuật, nên một số hãng sản xuất đã khóa tính năng ép xung lại trên các dòng laptop hay thiết bị mobile. Hầu hết những chiếc laptop trên thị trường, từ trước đến nay đều không cho phép ép xung do đặc tính về thiết kế của laptop còn gặp nhiều hạn chế, chủ yếu là từ giới hạn của phần cứng laptop hoặc giới hạn về thông số điều khiển của Bios. Và đặc biệt, hệ thống tản nhiệt của laptop bị giới hạn khá nhiều khi chưa đáp ứng được tốt cho việc ép xung.
![]() |
Hệ thống tản nhiệt của Laptop không đáp ứng tốt cho ép xung CPU laptop |
Ép xung hệ thống máy tính phụ thuộc vào rất nhiều thành phần linh kiện bên trong máy tính, cho nên nó sẽ có những kết quả khác nhau. Nếu như các bạn sử dụng cùng một mã sản phẩm linh kiện giống nhau, nhưng khi ép xung thì kết quả vẫn khác nhau. Chúng ta sẽ không thể biết được chính xác khả năng ép xung và độ ổn định của hệ thống khi chúng ta không trực tiếp tự tay thực hiện việc ép xung. Một chuyên gia ép xung làm việc trên nhiều hệ thống thì cũng chỉ mang đến một dữ liệu chung để cho chúng ta tham khảo mà thôi, họ không thể nói lên được con số chính xác là bao nhiêu cho từng hệ thống khác nhau.
Có 2 cách để ép xung CPU thông thường, đó là ép xung Base Clock và ép xung hệ số nhân CPU. Ép xung Base Clock sẽ mang lại hiệu năng cao nhất bởi vì nó tối ưu tăng tốc độ các thành phần trong CPU. Tuy nhiên việc ép xung Base Clock sẽ yêu cầu kỹ thuật rất cao và nó cũng yêu cầu hệ thống máy tính phải đồng bộ. Cho nên, nếu các bạn muốn tự tay ép xung cho CPU thì trước tiên hãy làm tốt việc ép xung theo hệ số nhân của CPU. Còn đối với Ram, việc ép xung thường được thực hiện từ Bios. Có 2 cách để ép xung cho Ram đó là thay đổi Bus và Cas của Ram.
Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc