Bitcoin là gì? Giải thích dễ hiểu nhất.

 Một đơn vị tiền tệ có giá hơn 1 tỷ đồng (vào thời điểm đầu năm 2021), và chỉ có "tiền điện tử" mới làm được điều như vậy, đồng tiền đó chính là Bitcoin. Bitcoin là đồng tiền điện tử tăng giá nhanh nhất lịch sử khi mà trước đây khoảng năm 2009, giá trị ban đầu của nó chỉ khoảng "1 cái bánh mỳ đổi được 1500 đơn vị bitcoin". Đến thời điểm năm 2017 thì 1 bitcoin đã đổi được hơn 20.000 cái bánh mỳ. Như vậy giá trị của bitcoin đã tăng lên 25 triệu lần trong vỏn vẹn có 8 năm. Vậy thì Bitcoin là gì? Nó có gì khác so với đồng tiền giấy mà chúng ta đang sử dụng hay không? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé.
Ai là cha đẻ của bitcoin?
 Bitcoin được ra đời vào năm 2009, đến tận bây giờ vẫn không ai biết được "cha đẻ" thực sự của đồng tiền điện tử Bitcoin là ai. Chỉ có thông tin được nhiều người nhắc tới về bitcoin đó là, có một người lấy tên trên mạng là Satoshi để giới thiệu về bitcoin, ngoài đời thực Satoshi là một cá nhân hay một tổ chức thì không một ai biết được.
Bitcoin được tạo ra như thế nào?
 Trước tiên Satoshi (một người hoặc một tổ chức nào đó) đã tạo ra một nền tảng công nghệ cực kỳ mới. Sau đó từ nền tảng này người ta sẽ tạo ra bitcoin. Cũng giống như việc xây một căn nhà, trước tiên bạn cần phải xây móng nhà. Và cái nền tảng mới này được gọi là Blockchain.
 Blockchain là gì? Nói về mặt công nghệ thì khá dài dòng và khó hiểu. Nhưng để dễ hiểu thì bạn có thể hình dung, nó như một "cuốn sổ phép thuật". Cuốn sổ này không bao giờ có thể bị tẩy xóa, không bao giờ bị cắt ghép, cũng không thể bị làm giả, và điều quan trọng nhất là nó luôn ghi lại mọi sự thật.
 Khi áp dụng "cuốn sổ phép thuật" này để tạo ra tiền điện tử bitcoin, thì nghĩa là mọi giao dịch bitcoin (như chuyển tiền, nhận tiền, thanh toán hóa đơn, ...) sẽ luôn được ghi lại mà không ai xóa hay chỉnh sửa gì được, kể cả là người tạo ra bitcoin. Và "cuốn sổ phép thuật" này sẽ được công khai tới tất cả mọi người, thế nên mọi thông tin trên sổ đều có độ tin cậy tuyệt đối.
 Nếu các bạn nghĩ rằng "ông" Satoshi này có thể tạo ra Bitcoin thì ông ấy cũng có thể tạo ra nhiều bitcoin hơn cho bản thân mình (giống như tự in tiền) vậy thì ông ấy rất giàu. Nhưng không, với công nghệ Blockchain thì không ai có thể sửa đổi được. Vì vậy, việc ông ấy tạo ra thêm tiền cho mình để đưa vào lưu thông là không thể xảy ra.
Đồng tiền điện tử Bitcoin
Đồng tiền điện tử Bitcoin
 Sau khi tạo ra được nền tảng Blockchain, Satoshi sẽ tạo ra đồng tiền điện tử Bitcoin. Nhưng ông ấy không tạo ra sẵn một đồng bitcoin nào, tất cả các đồng bitcoin này sẽ được ông ấy làm ẩn đi. Muốn có được những đồng tiền điện tử bitcoin thì phải dùng máy tính để xử lý những thuật toán rất phức tạp. Sau quá trình xử lý các thuật toán phức tạp đó, người sử dụng máy tính sẽ được nhận về một lượng bitcoin nhất định, và số lượng bitcoin đó được đưa vào lưu thông. Người ta hay gọi đó là "đào bitcoin". Đào được đồng nào thì hiện ra đồng đó, phần còn lại vẫn bị ẩn đi. Giống như việc đào vàng trên trái đất, muốn có được vàng thì phải đi đào. Và vàng trên trái đất dù nhiều bao nhiêu đi nữa thì vẫn có một số lượng giới hạn, đào mãi sẽ hết. Bitcoin cũng như vậy, chỉ có tổng cộng là 21 triệu Bitcoin. Người ta tính đến năm 2140 thì đồng bitcoin cuối cùng sẽ được đào lên.
Máy tính có cấu hình cao đi kèm với VGA rời để đào Bitcoin
Máy tính có cấu hình cao đi kèm với VGA rời để đào Bitcoin
 Nhờ có nền tảng Blockchain (được ví như cuốn sổ phép thuật) mọi giao dịch như đào bitcoin đều được ghi lại, thế nên mỗi đồng bitcoin được đào lên thì được cả thế giới biết đến, không thể có chuyện một người nào đó tạo ra được đồng bitcoin giả để đưa vào lưu thông. Như vậy, nếu so với tiền giấy chúng ta đang sử dụng thì ta sẽ thấy một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, tiền giấy có thể làm giả được, còn bitcoin thì không thể làm giả được.
- Thứ hai, tiền giấy có thể được in thêm, mà khi in thêm tiền giấy thì người dân sẽ bị thiệt. Nhưng bitcoin thì không thể tạo thêm được (muốn có bitcoin thì phải đào, đào mãi sẽ hết, hơn nữa việc đào bitcoin cũng tốn rất nhiều chi phí)
- Thứ ba, tiền giấy muốn chuyển cho người khác (đặc biệt chuyển ra nước ngoài) thì phải qua trung gian (ngân hàng, tổ chức tín dụng) nên tốn kém về chi phí chung chuyển. Nhưng bitcoin thì có thể chuyển toàn cầu mà không cần qua bên trung gian nào và chi phí cũng rất thấp (bởi vì nền tảng blockchain luôn ghi nhận sự thật, ta có thể biết tiền được chuyển từ đâu và đến đâu)
- Thứ tư, với tiền giấy thì Nhà Nước có thể kiểm soát tiền. Nhưng với đồng tiền điện tử Bitcoin thì không ai có thể kiểm soát nổi (nó hoàn toàn tự do theo thị trường thế giới).
Đồng tiền điện tử Bitcoin (Ảnh minh họa)
Đồng tiền điện tử Bitcoin (Ảnh minh họa)
 Nhờ những đặc tính như trên, bitcoin ngày càng được nhiều người khắp mọi nơi trên thế giới tin dùng và nó đã trở thành "tiền thật". Khi bạn thấy bitcoin được sử dụng có thể mua bán, bạn có thể đổi tiền của mình lấy bitcoin để sử dụng. Việc bạn sử dụng tiền giấy đổi lấy bitcoin, nghĩa là bạn đang mua bitcoin của một người khác và trả tiền mặt cho họ. Vậy nên, nếu càng nhiều người tin tưởng bitcoin thì đồng nghĩa với việc càng nhiều người đổi tiền lấy bitcoin. Như vậy bitcoin sẽ được mua nhiều hơn, mà mua nhiều hơn thì đương nhiên phải "tăng giá". Đó là lý do tại sao lúc mới ra bitcoin có giá trị rất thấp, nhưng đến bây giờ thì giá của nó đã tăng lên hàng chục triệu lần.
 Tóm lại, Bitcoin là một đồng tiền điện tử được tạo ra trên một nền tảng phần mềm (blockchain). Nền tảng phần mềm này có đặc tính là cực kỳ trung thực, không thể gian lận và cũng không làm giả được. Nhờ ưu việt của nó mà nhiều người trên thế giới đã tin dùng, và nó trở lên có giá trị. 


Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc